Bạn đang tìm mua một chiếc xe đạp thể thao mà không biết lựa chọn thế nào để phù hợp với nhu cầu và mục đích sử dụng của mình. Thể thao 365 hi vọng qua bài viết này, bạn hiểu được các tiêu chí khi tìm mua một chiếc xe đạp thể thao và chúc bạn sẽ tìm được một chiếc xe đạp thể thao ưng ý...
1. CÓ BAO NHIÊU LOẠI XE ĐẠP THỂ THAO?
Xe Đạp Leo Núi (MTB):
Nếu bạn là người tham gia bộ môn đạp xe địa hình, hay chỉ đơn giản thích những mẫu xe đạp có kích thước “hầm hố” hơn thì xe đạp địa hình sẽ là lựa chọn cho bạn. Xe đạp leo núi sở hữu dàn bánh xe to, dày hơn với nhiều gai bánh đan xen giúp hỗ trợ cho việc vượt các địa hình gồ ghề đầy chướng ngại vật, vì thế việc “băng băng” trên những bề mặt có ổ gà hay đá dăm chỉ còn là chuyện nhỏ. Bên cạnh đó, bạn nên lựa chọn dòng xe địa hình Hardtail (1 phuộc) sẽ giúp mang lại độ thoải mái và tiện lợi để chở đồ hơn so với dòng 2 phuộc (Full-suspension). Tuy nhiên, các dòng xe đạp leo núi thường nặng hơn vì thế bạn phải tốn nhiều sức hơn để đạp.
Xe Đạp Đường Phố (Touring):
Được xem là dòng xe đa năng, với thiết kế mảnh hơn xe đạp leo núi nhưng “đầy đặn” hơn các dòng xe đạp đường trường. Xe đạp đường phố chú trọng nhiều hơn vào độ thoải mái và tính tiện lợi khi tích hợp phần baga để chở đồ. Thông thường các dòng xe đạp đường phố được thiết kế với dàn khung từ hợp kim nhôm hoặc thép chắc chắn, đi kèm dàn truyền động phổ thông và ghi đông ngang để dể dàng thay đổi vị trí ngồi, mang đến tính tiện dụng, dễ dùng cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, vành xe rất rắn chắc vì có từ 36 nan hoa trở lên, vì thế vấn đề gãy nan hoa, cong vành hầu như không xảy ra. Các loại kích cỡ bánh xe đường phố phù hợp là 700c x 28, hoặc 700c x 36.
Xe Đạp Đường Trường (Road):
Trái lại với dòng xe đường phố và leo núi. Xe đạp road nhìn chung thường chú trọng vào tốc độ, phù hợp cho những ai yêu thích cảm giác “núp gió” và lướt với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, hầu hết các dòng xe road đề sở hữu cặp bánh xe khá “mong manh” vì thế các trường hợp mòn hay thủng lốp rất dễ xảy ra, vì thế nếu bạn có ý định lựa chọn xe road để đạp xe thì bạn nên mang theo vỏ và ruột xe dự phòng. Ngoài ra, bạn phải hết sức lưu ý khi đạp xe road bởi rất dễ bị trượt khi điều kiện bề mặt đường ẩm ướt, nhiều bùn.
2. XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH ĐẠP XE CỦA BẠN:
Mục đích đạp xe sẽ là yếu tố đầu tiên giúp bạn chọn cho mình một chiếc xe đạp phù hợp. Nếu bạn chỉ là người thích vi vu bằng xe đạp trong các hoạt động thường ngày như đi học, hay đi làm, hoặc chỉ đơn thuần tham gia rèn luyện sức khoẻ thì dòng xe đạp đường phố hoặc xe đạp địa hình một phuộc sẽ là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, nếu bạn có nhu cầu tham gia vào bộ môn đạp xe đường trường chuyên nghiệp, thì dòng xe đạp đua sẽ là lựa chọn tốt hơn cho bạn.
3. XÁC ĐỊNH CHẤT LIỆU KHUNG XE ĐẠP:
Dàn khung được xem như là linh hồn của chiếc xe đạp, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu năng của một chiếc xe. Có thể nói hiện nay, chất liệu được sử dụng để sản xuất khung sườn xe đạp nhiều nhất chính là Thép, Nhôm và Carbon.
Khung Sườn Thép:
Thép – Từ lâu đã là chất liệu được ưa chuộng từ những năm 1980s, tuy có phần nặng hơn nhiều so với nhôm và carbon, nhưng vẫn là một lựa chọn tốt, mang lại cảm giác đầm hơn và vững chãi hơn.
Khung Sườn Nhôm:
Trước tiên về kết cấu chất liệu Nhôm, đây là nguyên vật liệu phổ biến và khá phổ thông trong ngành công nghiệp xe đạp bởi chúng không chỉ nhẹ, khá cứng cáp mà còn dễ hàn nối. Hiện nay có khá nhiều nhãn hàng xe đạp nổi tiếng luôn tối ưu công nghệ hàn nhôm, có thể nói đến Giant, Forever, Specialized... nổi danh bởi công nghệ hàn D’ Aluisio Smartwell giúp hạn chế áp lực lên dàn khung từ việc phân bổ đầu nối ống Tube thích hợp.
Khung Sườn Carbon:
Cuối cùng chính là nguyên liệu Carbon, nguyên vật liệu tiên tiến nhất đã và đang được áp dụng rộng rãi đối với các dòng xe đạp đường trường. Bởi không chỉ kết cấu đan xen siêu bền, mà còn vô cùng linh hoạt, nhẹ và cứng cáp. Cũng chính vì tính ưu việt mà giá thành xe đạp Carbon cũng cao hơn rất nhiều so với những dòng xe khác, bởi chúng tập trung tối đa vào hiệu suất và phục vụ cho mục đích đạp xe đua chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Thép và Nhôm vẫn là sự lựa chọn rất tốt nếu bạn mới tập tham gia vào đạp xe đường trường.
4. XÁC ĐỊNH KÍCH CỠ XE ĐẠP PHÙ HỢP:
Lựa chọn kích cỡ xe đạp đúng với kích thước cơ thể sẽ giúp quá trình đạp xe diễn ra thoải mái. Hiện nay, nhìn chung các kích cỡ xe đạp đều được tính trên centimet. Cách tốt nhất để biết chính xác đó là bạn có thể truy cập website của nhà sản xuất để biết thông số của từng mẫu xe đạp. Ngoài ra, bạn có thể đến trực tiếp tại cửa hàng để chiêm ngưỡng và nghe sự tư vấn từ đội ngũ chuyên gia, đảm bảo bạn sẽ tìm được cho mình kích thước xe đạp ưng ý nhất.
Hiện nay cách tính cơ bản nhất khi đo đạc kích thước xe đạp phù hợp gồm 3 bước:
- Tháo giày và đứng với khoảng cách hai chân cách nhau 15-20cm, đo chiều cao từ mặt đất cho đến vùng hông
- Lựa chọn loại xe đạp phù hợp với mục đích sử dụng của bạn
- Sử dụng công thức để tính khung sườn: chiều cao của chân (cm) x 0,70 = kích thước khung sườn xe đạp
(Nguồn: bicycle-guider)
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bảng thông số dưới đây:
Canh Chỉnh Xe Đạp (Bike Fitting)
Một chiếc xe đạp địa hình phù hợp bao gồm yếu tố độ vừa vặn, chiều cao, sự linh hoạt được canh chỉnh kỹ lưỡng từ mục tiêu đạp xe của bạn, cũng như có thể cải thiện khả năng xử lý, giải quyết các chuyến đi đòi hỏi kỹ thuật và nhiều thử thách hơn. Ngoài ra, Bike fitting có thể đánh giá kích cỡ người với khung xe, pô tăng, ghi đông có phù hợp trước khi “chốt” tại vùng vị trí mà bạn đạp thoải mái nhất. Quy trình diễn ra thường bao gồm một số bước từ đạp thử, phân tích số liệu, cho đến canh chỉnh xe. Nhờ vào bikefit, bạn sẽ biết được chính xác tất cả các nhóm cơ bị mỏi, hay những yếu tố gây nên sự khó chịu, không thoải mái trong quá trình đạp xe.
5. HIỂU VỀ DÀN TRUYỀN ĐỘNG (GROUPSET):
Dàn truyền động hay nói cách khác là “động cơ”, quả tim của một chiếc xe đạp. Chúng được cấu thành từ nhiều thành phần được kết nối và hoạt động như thể thống nhất. Mỗi dòng truyền động khác nhau của từng thương hiệu sẽ phục vụ cho mục đích đạp xe khác nhau. Hiện nay những nhà sản xuất bộ truyền động có tên tuổi trên thế giới nhất chính là Shimano, Sram và Campagnolo, tuy nhiên Shimano là thương hiệu được ưa chuộng nhất hiện nay. Một dàn truyền động tốt không chỉ là tích hợp nhiều công nghệ mà còn phải phù hợp với mục đích đạp xe, bề mặt địa hình, và kỹ năng sử dụng, xử lý từ “amateur” cho đến chuyên nghiệp.
6. CHÚ Ý DÀN BÁNH XE:
Điểm quan trọng tiếp theo mà người mới cần lưu ý chính là dàn bánh xe và lốp xe. Độ nặng của bánh (vành) xe ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình vận hành trên đường, bánh xe có trọng lượng nặng giúp ổn định, đầm và có độ “lì” đường hơn, tuy nhiên những bánh xe có trọng lượng nhẹ, như carbon sẽ giúp linh hoạt hơn, nhanh hơn và lướt mượt mà hơn. Bên cạnh đó, hiện nay những mẫu bánh xe tiên tiến nhất được cấu thành từ carbon và được thiết kế khí động học, nhằm tăng cường tối đa tốc độ dành cho những tay cua-rơ chuyên nghiệp.
7. LỰA CHỌN DÀN PHANH XE PHÙ HỢP:
Phanh Đĩa (Disc Brakes):
Cấu tạo của phanh đĩa bao gồm má phanh bám vào một rotor và được gắn vào giữa trung tâm bánh xe. Khi các miếng đệm kéo vào rotor, bánh xe bị làm chậm lại vì động năng chuyển động được chuyển thành nhiệt năng. Phanh đĩa có hai phiên bản, gồm phiên bản phanh đĩa thủy lực, giúp lực hãm phanh mạnh hơn với ít chuyển động cơ học ngón tay hơn (bóp thắng), và chúng tự điều chỉnh khi má phanh bị mòn và phiên bản phanh kích hoạt bằng cáp (cơ học) cần điều chỉnh bằng tay khi miếng đệm mòn. Ưu điểm nổi trội nhất so với phanh vành (Rim brakes) đó là ổn định hơn trong mọi điều kiện thời tiết hay bề mặt địa hình, dễ thay thế và không phụ thuộc vào kích thước bánh xe.
Phanh Vành (Rim brakes):
Phanh vành (phanh cơ) có miếng đệm bám vào vành bánh xe, hoạt động dựa trên nguyên lý lực ma sát giữa miếng đệm và vành bánh xe, từ đó làm giảm tốc độ bánh xe. Thông thường, một số vật liệu được ưa chuộng để tạo ra phanh vành như cao su, da,.. Ưu điểm lớn nhất của phanh vành chính là gọn nhẹ và dễ thay, tuy nhiên nhược điểm chính là dễ mòn miếng đệm và thường xuyên thay liên tục hơn so với phanh đĩa.
Bên cạnh đó còn một số loại phanh phổ biến khác như phanh Caliper, phanh U-Brakes, Phanh Cantilever…
8. LỰA CHỌN NGÂN SÁCH CHO CHIẾC XE ĐẠP CỦA BẠN:
Hiện nay có nhiều mức giá khác nhau dựa theo nhu cầu sử dụng, chất liệu khung cấu thành, cũng như thông số cấu hình của cả chiếc xe. Chất liệu khung là một trong những yếu tố tạo ra sự khác nhau về giá, các chất liệu chính thông thường là thép, nhôm và carbon. Trong đó, thép và nhôm thường được sử dụng để chế tác những chiếc xe đạp đường phố hoặc địa hình, còn carbon sẽ được dùng để sản xuất xe đạp đua chuyên nghiệp, đòi hỏi yêu cầu về nhẹ và nhanh, và cũng dễ hiểu, xe đạp carbon luôn sẽ có giá cao hơn so với các dòng xe đạp thép và nhôm khác.
Với mức giá từ 2 triệu – 5 triệu đồng: xe sẽ sở hữu một số đặc điểm cơ bản như dàn khung sườn từ thép cao cấp, chắc chắn, dàn truyền động phổ thông thường là 21 tốc độ, phù hợp cho những người không có nhu cầu cao về tốc độ, thay vào đó sẽ chú trọng vào kiểu dáng thiết kế, dễ sử dụng trong các hoạt động đi lại thường ngày.
Với mức giá trên 5 triệu – 20 triệu đồng: xe sẽ sở hữu một số đặc điểm cơ bản như dàn khung sườn từ nhôm cao cấp 6061, bền bỉ, dàn truyền động từ trung tới cao cấp của các thương hiệu nổi tiếng như Shimano hoặc Sram, từ 24 tới 30 tốc độ.
Với mức giá từ 20 triệu đến dưới 50 triệu đồng: Các dòng xe đạp sẽ được nâng cấp đáng kể, dàn khung làm từ hợp kim nhôm cao cấp, tuy nhiên một số ống tube, phụ tùng được làm từ chất liệu Carbon, các chi tiết mang thiết kế khí động học, bộ truyền động từ 24 tới 30 tốc độ, phanh cơ hoặc đĩa tuỳ theo nhà sản xuất.
Cuối cùng, với mức giá trên 50 – 60 triệu đồng: Đây là dòng xe được nhiều vận động viên chuyên nghiệp lựa chọn, từ khung sườn, cốt yên cho đến dàn bánh xe đều sở hữu thiết kế khí động học, được bổ sung một số công nghệ khác tuỳ vào bề mặt địa hình đường đua, cấu trúc carbon toàn phần và chất lượng cao nhất. Hơn nữa, xe còn sở hữu dàn truyền động cơ hoặc điện tử tối tân nhất, với trọng lượng nhẹ, linh hoạt và nhạy nhằm giúp nâng cao hiệu suất cho các người tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp.
Trên đây là một số thông tin cơ bản để bạn tham khảo trước khi chọn mua một chiếc xe đạp. Bên cạnh đó, một đội ngũ tư vấn giàu kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn tại Shop hiểu rõ được nhu cầu bạn cần cũng góp phần quan trọng giúp bạn tìm được mẫu xe phù hợp và ưng ý. Thethao365 hi vọng qua bài viết này, bạn sẽ tìm được chiếc xe đạp phù hợp với nhu cầu và mục đích sử dụng của bạn.
(Nguồn tham khảo: Bicycling, Rei, Road.cc)