Xem nhanh
- Patin là gì? Giầy patin ra đời như thế nào
- Patin bao gồm những bộ phận nào?
- Những thể loại trượt patin phổ biến hiện nay
- Inline Speed Skating – Trượt patin tốc độ
- Freestyle Slalom – Trượt patin vượt chướng ngại vật
- Freestyle Slide – Dừng/ Thắng nghệ thuật
- High Jump, Free Jump – Nhảy cao, nhảy tự do
- Aggressive/ Blading
- Downhill – Trượt đổ dốc
- Inline Figure Skating – Trượt patin nghệ thuật
- Sự hình thành và phát triển của phong trào Patin tại Việt nam
Giày patin là gì? Lịch sử ra đời của giày Patin
Patin là một từ mượn tiếng Pháp, phiên âm theo tiếng Việt là “Ba Tin” để chỉ mộ môn thể thao sử dụng giày có gắn các bánh xe phía dưới để di chuyển.
Còn trong tiếng Anh, Roller Sport là tên gọi chung cho các môn thể thao mà người chơi đặt mình lên thiết bị có con lăn/ bánh xe như đôi giày, tấm ván. Trong Roller Sport sẽ chia làm 2 loại là:
- Trượt 2 hàng bánh với giày có 2 hàng bánh lăn, được gọi là Roller Skating.
- Trượt 1 hàng bánh với giày có gắn 1 hàng bánh lăn, được gọi là Roller Blading hoặc Inline Skating.
Trong đó, giày Patin một hàng bánh được sử dụng phổ biến và rộng rãi hơn do tính linh động và tốc độ cao hơn.
Lịch sử ra đời của giày patin
Đôi giày patin đầu tiên được phát minh vào năm 1743 bởi một nhà phát minh người Hà Lan. Nhưng do tài liệu về nhà phát minh người Hà Lan bị thất lạc, đến năm 1760, một nhà phát minh người Bỉ John Joseph Merlin được ghi nhận là người phát minh đôi giày Patin đầu tiên sử dụng dây da, bánh xe kim loại nhỏ và tấm gỗ, dựa trên ý tưởng giày trượt băng. Năm 1789, Maximiliaan Lodewijik Van Lede cho ra đời đôi roller với 2 bánh được xếp dọc cách nhau một khoảng.
Những bộ phận chính của giày Patin
Thân giày (Boot)
Thân giày còn gọi là Boot, một trong những bộ phận quan trọng của đôi giày patin. Ở phần thân giày còn được chia làm hai bộ phận bao gồm:
- Thân trong (Liner): Được làm thừ mút mềm xốp, mềm mại, mang đến cảm giác thoải mái và êm ái cho chân. Phần này được nhà sản xuất khâu rất chắc chắn ngăn cách được phần cứng của vỏ giày không cọ vào chân.
- Thân ngoài (Shell): Còn gọi là vỏ thân giày, thường làm bằng nhựa cứng để thân giày ôm chắc vào chân người chơi. Đồng thời, nó có tác dụng tạo dựng bộ khung cho đôi giày kết hợp với phần lót ôm sát chân người sử dụng.
Trên thân giày còn thiết kế một đai thắt bằng nhựa và một đai bằng da kết hợp với dây giày để điều chỉnh kích thước phù hợp chân người chơi, có tác dụng siết chặt đôi giày với chân hơn để giày ôm sát khi trượt mang lại hiệu quả cao.
Khung giày (Frame)
Khung giày là bộ phận đòi hỏi độ chắc chắn và bền bỉ cao, nên thường được sản xuất từ nguyên liệu hợp kim siêu bền, nhựa cao cấp,... tùy thuộc vào mỗi thương hiệu.
Khi chọn mua giày patin, bạn hãy quan tâm đến bộ phận khung, bởi nó sẽ khiến bạn tự tin hơn khi đi trên đường, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dùng.
Vòng bi
Vòng bi là bộ phận nhỏ trong đôi giày patin, nhưng đảm nhận một chức năng vô cùng lớn. Nó giúp giảm ma sát giữa trục bánh xe và bánh xe. Nếu bạn chọn lựa một đôi giày có vòng bi trơn, êm, thì nó sẽ hỗ trợ bạn trượt nhanh chóng, mượt mà trên mọi nẻo đường. Đặc biệt là đối với người mới tập chơi, tạo cảm giác thuận lợi khi luyện tập.
Khi chọn mua giày patin, bạn cũng cần tìm hiểu kỹ về vòng bi, nhằm đảm bảo chọn được sản phẩm chất lượng và phục vụ tốt nhu cầu sử dụng. Vòng bi có 2 loại thông dụng là ILQ và ABEC theo thứ tự: 1, 3, 5, 7, 9.
Bánh xe
Bánh xe là "linh hồn" tạo nên một đôi giày patin. Bánh xe của giày thường được thiết kế nhỏ gọn, làm từ nhựa hoặc cao su có độ cứng cao. Giày patin phổ biến hiện nay được thiết kế với các bánh xe như sau:
- Giày trượt 2 hàng bánh với kết cấu 4 bánh xếp thành 2 hàng.
- Giày trượt 1 hàng bánh với kết cấu 4 bánh xếp được xếp thẳng hàng.
Ngoài ra, còn có những loại giày 1 hàng bánh có 5 bánh xe phù hợp cho những cung đường dốc, khó di chuyển. Đối với giày 3 bánh xe trong 1 hàng phù hợp với đường trong thành phố, quanh co. Mỗi loại có những ưu điểm khác nhau, tùy vào nhu sử dụng mà bạn có sự chọn lựa phù hợp nhất.
Thắng (Phanh)
Thắng hay phanh trong giày patin là bộ phận vô cùng quan trọng, giúp giữ an toàn cho người sử dụng. Thắng của giày trang bị ở phía dưới bên phải phù hợp với đa số người Việt.
Khi sử dụng giày đã lâu, bạn cần tháo phanh ra và thay mới để giữ an toàn khi luyện tập và vui chơi. Ngoài ra, tuỳ thiết kế của từng loại giày trượt patin mà có thêm các bộ phận phụ như: Khoá gài, khoá dán, chắn giày,...
Những thể loại trượt patin thịnh hành hiện nay
Inline Speed Skating – Trượt patin tốc độ
Tương tự như chạy Marathon, người chơi trượt patin tốc độ sẽ thi đấu với nhau với mục tiêu đạt được tốc độ nhanh nhất để về đích sớm nhất. Các vận động viên sẽ cần luyện tập rất nhiều không chỉ nhằm nâng cao sức khỏe, sức bền của đôi chân mà còn cần kết hợp với các kỹ thuật khác để tham gia loại hình này. Đây cũng là môn thể thao được công nhận tại nhiều giải đấu lớn và chính thống.
Freestyle Slalom – Trượt patin vượt chướng ngại vật
Với chướng ngại vật là các hàng cốc, người chơi sẽ sử dụng kỹ thuật, sự khéo léo của mình để không chỉ vượt qua mà còn tạo nên một bài biểu diễn đầy hấp dẫn. Freestyle Slalom chia ra làm 4 loại chính gồm:
- Freestyle Slalom: Người chơi thực hiện màn biểu diễn theo phong cách tự do, sáng tạo trong một khoảng thời gian từ 105 đến 120 giây.
- Pair Freestyle Slalom: Tương tự như Free Style Slalom nhưng sẽ có 2 người chơi phối hợp với nhau để hoàn thành bài biểu diễn.
- Battle Freestyle Slalom: Người chơi cạnh tranh bằng việc thi triển các kỹ thuật và so sánh tổng điểm khi kết thúc.
- Speed Slalom: Dùng tốc độ và kỹ thuật để vượt qua chướng ngại vật nhanh nhất có thể.
Freestyle Slide – Dừng/ Thắng nghệ thuật
Người chơi sẽ chạy ở tốc độ cao sau đó dùng các kỹ thuật để dừng lại sao cho đẹp mắt nhất. Yếu tố sử dụng để đánh giá kết quả là quãng đường thắng dài và kỹ thuật điêu luyện. Thể loại này này hiện khá được giới trẻ Việt Nam yêu thích và chơi nhiều.
High Jump, Free Jump – Nhảy cao, nhảy tự do
Người chơi xuất phát từ xa và đẩy cao tốc độ trượt đến bục dốc để nhảy qua mức xà. Thể loại này đòi hỏi người chơi phải có sức bật và kỹ thuật tiếp đất rất tốt, nếu không sẽ xảy ra chấn thương đáng tiếc.
Aggressive/ Blading
Thể loại này cũng thường được gọi là Patin mạo hiểm. Người chơi sẽ trượt trong các lòng máng và thực hiện các pha tung người, xoay người trên không đẹp mắt.
Với thể loại này giày Patin sẽ cần chắc chắn hơn để đáp ứng với các pha tiếp đất trong tư thế khó. Đây là một thể loại tuy thú vị nhưng cũng khá nguy hiểm cho người chơi.
Downhill – Trượt đổ dốc
Người chơi sẽ phải trang bị đồ bảo hộ chắc chắn và trượt từ trên đỉnh dốc xuống, cùng với đó sử dụng các kỹ thuật để giảm tốc, vào cua và dừng lại. Thể loại này được coi là nguy hiểm nhất bởi khi trượt từ trên dốc xuống ở tốc độ rất cao nếu như gặp tai nạn sẽ rất nghiêm trọng.
Inline Figure Skating – Trượt Patin nghệ thuật
Đây là thể loại có nhiều nét tương đồng với trượt băng nghệ thuật khi người chơi kết hợp giữa trượt Patin và múa nghệ thuật trên mặt sân bằng phẳng. Người chơi sẽ cần có giày chuyên dụng, năng khiếu biểu diễn cùng vũ đạo tốt.
Sự hình thành và phát triển của phong trào Patin tại Việt nam
-
Phong trào Patin tại Việt Nam đã xuất hiện từ rất lâu với những sân trượt patin mở cửa hàng loạt vào các năm thập niên 80 - 90. Với loại giày phổ biến 4 bánh với 2 hàng bánh trước và 2 hàng bánh sau.
-
Từ sau những năm cuối thập niên 90 trở đi, phong trào Patin bắt đầu xuống dốc, hàng loạt sân trượt Patin đóng cửa vì rất nhiều lý do từ việc nhiều loại hình giải trí khác hình thành dẫn đến việc các sân trượt dần vắng khách.
-
Đến năm 2006, phong trào Patin dần hình thành trở lại với sự xuất hiện giày trượt Patin 1 hàng bánh và việc tập luyện ngày một chuyên nghiệp hơn với nhiều nội dung tập luyện khác nhau. Nhiều đội, nhóm & câu lạc bộ bắt đầu được thành lập trong năm 2007-2008. Địa điểm tập luyện có thể là công viên, sân trượt Patin hoặc nhà riêng.
-
Năm 2008, Patin Việt Nam lần đầu tham gia đấu trường Quốc tế tại giải đấu “World Freestyle Skating Championships” diễn ra tại Singapore với sự tham dự của gần 30 Quốc gia. Đội tuyển Việt Nam được đài thọ tham dự giải đấu bởi ông Eddie Chua – người có rất nhiều đóng góp cho phong trào Patin trên Thế Giới, ông là chủ tịch Liên đoàn Roller Sports Singapore, kiêm phó chủ tịch hiệp hội World Slalom Skaters Association (WSSA).
-
Năm 2008 cũng là năm đầu tiên diễn ra giải đấu Patin tại Việt Nam – “Vung Tau Inline Skating Festival” - được tổ chức với các nội dung bài bản. Giải đấu được tổ chức bởi CLB iSkate với sự giúp đỡ của lực lượng trọng tài đến từ hiệp hội WSSA.
-
Các năm 2009-2013, nhiều giải đấu và lớp tập huấn được tổ chức tại nhiều tỉnh/ thành trong cả nước. Đội tuyển Roller Sports Việt Nam vẫn thường xuyên tham dự các giải đấu Quốc tế và đạt nhiều thành tích Huy chương Vàng, Bạc, Đồng.
-
Năm 2011, đội tuyển Roller Sports Việt Nam tham dự SeaGames 27 được tổ chức tại Indonesia. Tuy không đạt thành tích tại SeaGames 2011 nhưng cũng học tập được nhiều kinh nghiệm quý giá.
-
Năm 2012, đội tuyển Roller Sports Việt Nam tham dự 3rd Asian Beach Games được tổ chức tại TP. Hải Dương – Trung Quốc.
-
Năm 2013 là năm đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ Roller Sports Việt Nam với nhiều thành tích tại đấu trường Quốc tế đồng thời là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức 1 giải đấu quy mô Quốc tế với hơn 10 Quốc gia tham dự.
-
Từ 2013 - đến nay, bộ môn Patin ngày càng phát triển mạnh mẽ và là một trong những môn thể thao được rất nhiều các bạn trẻ ở các thành phố lớn lựa chọn.
Thể thao 365 - Khỏe đẹp hơn mỗi ngày